Từ năm 1982 đến nay, Viện Đại học Bách Khoa Quốc gia Grenoble giữ một vai trò quan trọng trong quan hệ hợp tác Pháp Việt về khoa học kỹ thuật với ba trường Đại học Bách khoa Việt Nam. Trong vòng hơn 20 năm qua, Grenoble đã đón nhận khoảng 350 thực tập sinh Việt Nam sang học tập và nghiên cứu tại Pháp, trong đó có hơn một trăm cán bộ khoa học đã được nhậnbằng Tiến sĩ. Năm 1996, Viện Đại học Bách Khoa Quốc gia Grenoble, một trong sáu trường Đại học lớn của Pháp, đã tham gia xây dựng chương trình đào tạo các kĩ sư chất lượng cao tại Việt Nam (P.F.I.E.V)
Tháng 9/1999, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội (ĐHBKHN), một trong bốn Trường Đại học ở Việt nam tiến hành thực hiện chương trình P.F.I.E.V. Năm 1996, trường ĐHBKHN tổ chức hai chương trình đào tạo cao học về Xử lý tín hiệu có trình độ hội nhập quốc tế: Cao học về Đo lường và các Hệ thống điều khiển (ISC) và Cao học về Xử lí Thông tin và Truyền thông (TIC). Hai chương trình này bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 10 năm 1999.
Tuy nhiên, không thể thiếu các hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ trong hoạt động đào tạo của một trường đại học. Do đó, ngay từ khi bắt đầu chương trình hợp tác giữa các trường Đại học Pháp và Việt nam, chúng tôi đã nhận ra rằng lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo cần được bổ sung bằng các hoạt động nghiên cứu khoa học cơ bản và khoa học ứng dụng có sự bàn bạc và đầu tư thời gian. Mục đích chính của đề tài hợp tác giữa Trường ĐHBKHN, Trường ĐHBK Grenoble, và Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp là thành lập một phòng thí nghiệm chuyên về nghiên cứu xử lý tín hiệu và các hệ thống thông tin đa phương tiện tại Hà Nội. Vì vậy dự án thành lập phòng thí nghiệm này trở thành một điều khoản trong chương trình hợp tác nghiên cứu.
Sự phát triển của kỹ thuật xử lý thông tin giữ vai trò then chốt đối với việc phát triển kinh tế, xã hội của mỗi quốc gia, đặc biệt đối với các nước đang phát triển. Chính vì vậy, tháng 08/2000, chính phủ Việt Nam đã quyết định ưu tiên phát triển các lĩnh vực công nghệ thông tin và công nghiệp phần mền trong các ngành công nghiệp và trong giáo dục. Chính phủ đã dành khoảng 500 triệu đôla Mỹ để đầu tư, phát triển lĩnh vực này trong 5 năm tới. Trung tâm nghiên cứu quốc tế MICA được thành lập hoàn toàn phù hợp với định hướng ưu tiên phát triển của các nhà lãnh đạo Việt Nam. Sự ra đời của Trung tâm MICA một mặt, nhằm đáp ứng những đòi hỏi cấp thiết liên quan tới sự phát triển của công nghệ thông tin và tin học công nghiệp, mặt khác cũng là để góp phần vào công cuộc phát triển của Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp và đào tạo.
Xây dựng Viện MICA thành một đơn vị Nghiên cứu khoa học - Chuyển giao công nghệ - Đào tạo trình độ cao có uy tín trong và ngoài nước, đóng vai trò quan trọng vào quá trình nghiên cứu, phát triển và ứng dụng các công nghệ trong lĩnh vực xử lý thông tin đa phương tiện (xử lý tiếng nói, xử lý hình ảnh, tương tác người - máy đa phương thức, truyền thông đa phương tiện) ngang tầm khu vực và quốc tế; một địa chỉ đầu tư, hợp tác nghiên cứu và chuyển giao công nghệ hấp dẫn, tin cậy với các tổ chức và doanh nghiệp trong nước và quốc tế, góp phần quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, giữ gìn an ninh, quốc phòng; một cơ sở đào tạo Thạc sỹ, Tiến sỹ trình độ cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế, có uy tín trong lĩnh vực xử lý thông tin đa phương tiện.
- Nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ
Xây dựng Viện MICA thuộc Trường ĐHBK Hà Nội thành một trong những trung tâm NCKH hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực xử lý thông tin đa phương tiện, phục vụ yêu cầu phát triển KT-XH, tiếp cận trình độ tiên tiến của thế giới.
Xây dựng được các nhóm nghiên cứu mạnh có khả năng giải quyết các vấn đề trọng yếu trong các lĩnh vực chuyên môn.
Thúc đẩy đổi mới, khuyến khích sáng tạo trong các hoạt động NCKH. Chú trọng tập trung vào các nghiên cứu chế tạo thử.
Triển khai các dự án, chương trình nghiên cứu mang tính liên ngành, đóng góp vào quá trình phát triển chung trong lĩnh vực Công nghệ thông tin ở Việt Nam.
Thúc đẩy hợp tác với các đối tác công nghiệp, đơn vị sản xuất, đảm bảo các kết quả NCKH-CGCN mang tính thực tiễn và ứng dụng cao.
- Đào tạo trình độ cao
Tham gia đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ kết hợp với các đối tác nước ngoài, đào tạo chuyên môn, đào tạo chuyên gia trong lĩnh vực xử lý tiếng nói, xử lý ảnh, tương tác người - máy và xử lý thông tin đa phương tiện.
Xây dựng chương trình đào tạo thạc sỹ chuyên ngành Tương tác người – máy đa phương thức, giảng dạy bằng tiếng Anh.
Thực hiện đổi mới, xây dựng chương trình đào tạo sau đại học hiện đại, có tính hội nhập quốc tế cao, nội dung đào tạo gắn kết chặt chẽ với thực tế NCKH, phát triển tiềm năng nghiên cứu sáng tạo, kỹ năng nghề nghiệp, năng lực hoạt động trong cộng đồng và khả năng phát triển nghề nghiệp của người học.
Tham gia hệ thống kiểm định và công nhận bằng cấp tương đương với các trường tiên tiến trên thế giới.
- Hợp tác trong nước và quốc tế
Chủ động, tích cực thực hiện đa phương hoá, đa dạng hoá các quan hệ hợp tác về đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ với các đơn vị khác trong ĐHBK Hà Nội, các trường đại học, viện nghiên cứu trên cả nước, và với các tổ chức, doanh nghiệp trong nước và quốc tế.
Chú trọng, tăng cường các mối liên hệ, hợp tác gắn bó giữa Viện với doanh nghiệp. Ủng hộ, khuyến khích, tổ chức các hoạt động khoa học phối hợp giữa các cán bộ của Viện với các doanh nghiệp để thực hiện tốt các hoạt động hợp tác nghiên cứu khoa học.
Tạo điều kiện để cán bộ nghiên cứu - giảng viên của Viện được đi học, bồi dưỡng kiến thức, tham dự hội thảo khoa học ở trong và ngoài nước. Ủng hộ, khuyến khích các hoạt động, hợp tác với nước ngoài trong đào tạo, NCKH - CGCN.
Khuyến khích các cán bộ nghiên cứu, giảng viên của Viện tham gia chủ trì, tổ chức các hội thảo khoa học trong nước và quốc tế tại Việt Nam.
Tiếp tục khai thác có hiệu quả các mối quan hệ hợp tác quốc tế, thu hút các nguồn tài trợ, học bổng, của các tổ chức quốc tế, các cơ sở đào tạo, NCKH ở các nước trên thế giới nhằm phục vụ sự nghiệp phát triển và hội nhập quốc tế của Viện thông qua công tác NCKH và đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao.
Tìm kiếm và vận động các nguồn tài trợ nhằm mục đích đầu tư tăng cường năng lực đào tạo và NCKH của Viện.
Tổ chức triển khai các chương trình, dự án, đề tài NCKH song phương và đa phương về các lĩnh vực xử lý tiếng nói, xử lý ảnh, tương tác người - máy và xử lý thông tin đa phương tiện.
- Xây dựng đội ngũ
Xây dựng đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học, giảng viên có đủ phẩm chất và năng lực để thực hiện các nhiệm vụ đặt ra. Đây là khâu quyết định đến sự thành công của Viện MICA trong tương lai. Có chính sách tuyển dụng hợp lý, ưu tiên tạo điều kiện đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trẻ, trình độ cao, đặc biệt là tạo môi trường làm việc tốt để thu hút được cán bộ, chuyên gia giỏi về công tác.
- Cải cách hành chính và cơ cấu quản lý
Viện có hệ thống quy chế tổ chức, điều hành thích hợp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực và cơ sở vật chất trang thiết bị, đảm bảo kích thích sự phát triển và nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ viên chức trong Viện.
Chuẩn hóa hệ thống văn bản, giấy tờ lưu hành trong Viện theo chuẩn ISO của Nhà trường. Số hóa các văn bản hành chính, tiến tới xây dựng hệ thống lưu trữ cơ sở dữ liệu một cách đầy đủ và khoa học.
Trên cơ sở chiến lược phát triển của Viện và tầm nhìn 2020, xác định rõ vai trò, nhiệm vụ, phạm vi chuyên môn của từng Phòng nghiên cứu chuyên môn, trung tâm phát triển ứng dụng và chuyển giao công nghệ. Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các đơn vị nhằm nâng cao hiệu quả công việc.
Đổi mới và hoàn thiện cơ cấu tổ chức, quản lý nhằm tạo điều kiện để các cán bộ nghiên cứu - giảng dạy tham gia một cách có hiệu quả vào quá trình NCKH và đào tạo trình độ cao trên cơ sở củng cố các nhóm chuyên môn.
Cán bộ hành chính phải là các cán bộ chuyên nghiệp và được đào tạo, bồi dưỡng để có kỹ năng làm việc chuyên nghiệp.